Kinh tế học : Vai trò của vốn xã hội trong nền kinh tế


Thực tế của các nền kinh tế công nghiệp từ những năm 1950 đến những năm 1980 cho thấy sự phát triển của nông nghiệp là do sử dụng lượng đầu vào công nghiệp lớn hơn trong sản xuất nông nghiệp (như các loại phân bón sản xuất từ dầu mỏ). Quá trình sản xuất và lựa chọn công nghệ có thể bị ảnh hưởng bởi ý tưởng và những giá trị theo đúng cách chúng ta giải thích thực tế kinh tế. Sự truyền đạt các ý tưởng và giá trị này, cùng với tổ chức xã hội và những mối quan hệ nơi làm việc đã làm cho điều kiện sản xuất tốt hơn, đây là những khía cạnh quan trọng về điều kiện xã hội đối với hoạt động kinh tế, một phần được gọi bằng thuật ngữ vốn xã hội (social capital SK).

Thuật ngữ này bao hàm những nội dung về phong tục tập quán và cách suy nghĩ để quyết định áp dụng kiến thức nào khai thác những khả năng sản xuất. Vốn xã hội bao gồm những khả năng xã hội và phương pháp tổ chức rộng làm cho mọi người tin tưởng và hợp tác với nhau. Do vậy sẽ làm giảm chi phí của những thương vụ và quan hệ kinh tế. Như vậy, vốn xã hội gồm cả những khía cạnh văn hóa trong hành vi con người, là chuẩn mực chung và mong đợi về tính trung thực, sự tin cậy, khả năng làm việc – tất cả những yếu tố này được chuẩn hóa qua các điều kiện xã hội, ví dụ như những quy tắc nuôi dạy con cái và giáo dục chính thức.

Các quá trình sản xuất có liên quan đến mạng lưới các mối quan hệ qua lại trong lao động của con người, vì vậy không chỉ liên quan đến những vấn đề kĩ thuật mà còn liên quan đến những vấn đề về động cơ và các mối quan hệ xã hội. Năng suất lao động phụ thuộc vào vốn con người thể hiện ở những lao động cá nhân, đồng thời còn có thể phụ thuộc vào điều kiện xã hội nơi làm việc và những mối quan hệ với người khác trong quá trình sản xuất. Với lý do này, tổ chức xã hội trong công việc ảnh hưởng đến hiệu quả lao động của một khoảng thời gian làm việc cho trước.

Vốn xã hội ngụ đến đến những đặc điểm của một xã hội khuyến khích sự hợp tác giữa những nhóm người (ví dụ, những người lao động và những người quản lý) trong đó những nỗ lực tham gia của các cá nhân và sự phụ thuộc lẫn nhau là yêu cầu để đạt được mục tiêu chung là sản xuất có hiệu quả. Nó được xây dựng thông qua những quy định tương trợ lẫn nhau làm cho người này tin tưởng và giúp đỡ người khác, và những mạng lưới rộng rãi về sự tham gia của người dân khuyến khích mỗi người làm việc vì lợi ích chung hơn là chỉ tìm kiếm để thu được lợi ích cá nhân.

Vốn xã hội giống với những hình thức khác của vốn là nó tạo ra đầu ra từ những đầu vào khác, và không được sử dụng hết trong một quy trình sản xuất. Không thể đo lường vốn xã hội theo số lượng, nhưng thực tế một số vấn đề chỉ có thể giải thích được bằng vốn xã hội. “Nếu kiến thức về thâm canh đã tồn tại trong những thế kỷ gần đây, tại sao nó được sử dụng ở một số thời điểm này mà không được dùng ở những thời điểm khác?” – Câu trả lời là vì vốn xã hội gồm cả những phong tục tập quán văn hóa.

Nguồn từ TS. Neva Goodwin, PGS. TS. Phạm Vũ Luận (2002), Kinh tế vi mô trong nền kinh tế chuyển đổi, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.