Lý Ban (1912-1981) – nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa III  (1960-1976), Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, Bí thư Đảng đoàn Ngoại thương (1959-1978) - vừa được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Người học trò được thầy Phạm Văn Đồng giác ngộ

Ông tên thật là Bùi Công Quan, sinh 1912 tại Bến Lức, Cần Đước, tỉnh  Chợ Lớn (nay là Long An), trong một gia đình đại điền chủ có hàng ngàn công đất “thẳng cánh cò bay”.

Đến tuổi đi học, Quan được gửi lên Sài Gòn. Năm 1927  khi học tại trường Trung học Cây Gõ, anh được ông thầy Phạm Văn Đồng giác ngộ rồi tham gia tuyên truyền cách mạng trong học sinh, thanh niên người Việt và người Hoa. Từ đây, Quan tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1930 được kết nạp vào An Nam cộng sản Đảng.

d
Thầy Phạm Văn Đồng (trái) cùng trò Lý Ban trên Chiến khu Việt Bắc 1949, trước khi nhận nhiệm vụ "giao liên" sang Trung Quốc. (Tư liệu gia đình)

Cuối 1931, sau hai lần bị mật thám Pháp bắt, vì không có chứng cứ nên anh bị đưa về quê quản thúc. Giữa 1932, Quan trốn lên Sài Gòn bắt liên lạc với Đảng nhưng không thành. Ở lại rất nguy hiểm, thông qua những người bạn Hoa kiều ở Chợ Lớn, anh xuống một chiếc tàu buôn lánh nạn sang Hồng Kông.

“Đệ tử” của Nguyễn Sơn-Hồng Thủy

Tại thành phố Sán Đầu, Quan bắt liên lạc được với tổ chức. Đầu 1934 được giới thiệu vào học Trường Đảng Khu căn cứ Thụy Kim (tỉnh Giang Tây) với cái tên Lý Ban.

Tại đây, Lý Ban gặp ông thầy người Việt tên Nguyễn Sơn. Thầy Sơn vốn là bạn học của thầy Phạm Văn Đồng tại Quảng Châu năm 1926, nay được biết Lý Ban là học trò của ông thầy họ Phạm thì quan hệ càng thân thiết.

Nguyễn Sơn giới thiệu Lý Ban với các thầy từng là giáo viên Trường Quân sự Hoàng Phố, nay là cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Đổng Tất Võ, Diệp Kiếm Anh… Giữa 1934, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tháng 10 năm 1934, Tưởng Giới Thạch huy động 1 triệu quân tấn công Khu căn cứ Thuỵ Kim. Để bảo toàn lực lượng, Hồng quân Công Nông phá vòng vây, tổ chức Vạn lý Trường chinh rút lên Tây Bắc, xây dựng căn cứ.

Nguyễn Sơn và Lý Ban  - 2 trong số ít chiến sĩ quốc tế - tham gia cuộc hành quân gian khổ này. Rời Thuỵ Kim được ít ngày, bị ốm nặng dọc đường ông phải nằm lại. Khi khỏi bệnh, mất liên lạc, ông lội bộ hàng nghìn cây số, vượt vòng vây, trở về Quảng Đông.

Trong năm 1935, ông bám dân, vận động quần chúng khôi phục hệ thống cơ sở cách mạng tại Mai Châu, Triều Châu, Sán Đầu. Đầu năm 1937, cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông được bầu làm tỉnh uỷ viên Liên tỉnh uỷ Phúc Kiến-Quảng Đông-Giang Tây.
Suốt 8 năm kháng Nhật, ông là một cán bộ lãnh đạo có năng lực được nhân dân Trung Quốc tin yêu. Thời gian này, ông cưới vợ người Hoa tên là Ôn Bích Trân. Bà Ôn là đảng viên Cộng sản Trung Quốc năm 1937.

“Phái viên cao cấp của Đảng”

Từ năm 1942, Bác Hồ có thỏa thuận với bn xin một số cán bộ người Việt đang hoạt động ở Trung Quốc về nước. Lý Ban và Nguyễn Sơn có tên trong danh sách.

Cuối năm 1945, ông đưa gia đình trở về. Lý Ban công tác tại cơ quan Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Vì đã có kinh nghiệm hoạt động, ông được giao tổ chức Hoa kiều Vụ và biên soạn tài liệu công tác chính trị trong quân đội, sổ tay chính trị viên v.v…

Đến năm 1948, Lý Ban được cử làm Cục phó Chính trị cục Quân đội quốc gia (Cục trưởng là ông Văn Tiến Dũng), đồng thời phụ trách việc liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc qua hệ thống vô tuyến điện.

Đầu năm 1949, khi cách mạng Trung Quốc sắp thành công, Trung ương giao cho ông nhiệm vụ “phái viên cao cấp” sang Trung Quốc, tới Bắc Kinh gặp các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc, đề nghị giúp cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Bác thảo mật thư gửi vợ chồng Chu Ân Lai và giao tận tay Lý Ban. Vượt vòng vây của giặc Pháp tới Móng Cái, sang Đông Hưng (Quảng Đông), vượt qua bao đồn bốt của quân Tưởng, đến tháng 8-1949, ông đến Bắc Kinh.  Bức thư được trao tận tay cho ông Chu Ân Lai.
         
Người góp sức cho sự nghiệp giải phóng

Hòa bình lập lại trên Miền Bắc, ông công tác tại Bộ Công thương và trực tiếp xây dựng ngành Hải quan và Ngân hàng nhà nước.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta bước vào giai đoạn ác liệt thì trong phe XHCN, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, có những bất đồng dẫn đến mâu thuẫn, ảnh hưởng đến sự ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam.
d
Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Bắc Kinh, 1964.
Thứ trưởng Ngoại thương Lý Ban (hàng 2, thứ 2, từ trái) đứng cạnh Đại sứ Trần Tử Bình ((Tư liệu gia đình)

Với chủ trương giữ vững đoàn kết với các đảng anh em, tranh thủ một cách hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế, ông được giao nhiệm vụ xây dựng các hiệp định hợp tác kinh tế hàng năm giữa hai nước Việt-Trung.

Ông thường xuyên làm việc với Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, Thứ  trưởng Bộ Quốc phòng Trần Sâm để nắm vững nhu cầu của quân đội, cũng như các đồng chí Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái để nắm bắt nhu cầu chiến trường miền Nam. Các yêu cầu của quân đội và chiến trường luôn được ưu tiên trong các hiệp định kinh tế Việt-Trung.

Từ những ngày đầu đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, ông liên hệ với bạn cho đặt bộ phận tiếp nhận viện trợ theo đường sắt liên vận tại Bằng Tường. Bộ phận này hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Ngay cả khi cảng Hải Phòng bị phong tỏa nhưng khối lượng lớn hàng hoá vẫn được vận chuyển vào Việt Nam, chi viện hiệu quả cho chiến trường.

Mỗi lần Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu đi đàm phán các hiệp định kinh tế, ông luôn có mặt. Mối quan hệ thân tình của ông trong những năm tháng hoạt động ở Trung Quốc có tác dụng trong những lần đàm phán.

Từng nghe các đồng chí được cử đi phiên dịch cho đoàn Chính phủ kể lại: “Với chủ trương tận dụng tối đa sự giúp đỡ của bạn mà đoàn đàm phán đã xin thêm được nhiều khoản viện trợ, từ hàng chục nghìn chiếc mũ cối, hàng vạn ba-lô đến vài nghìn chiếc xe đạp Vĩnh Cửu, Phượng Hoàng dùng làm xe thồ; thậm chí xin thêm cả số lượng xe ôtô vận tải.

Lần đó Bạn đồng ý viện trợ cho 2000 xe vận tải ba cầu Giải Phóng nhưng ta đề nghị xin thêm số phụ tùng thay thế với lí luận: điều kiện chiến tranh ở Việt Nam rất ác liệt, trên đường vận chuyển xe sẽ bị trúng bom mìn, nếu không có phụ tùng thay thế thì chỉ vứt xó, sử dụng viện trợ không hiệu quả. Bạn đã trả lời: Không thể sản xuất kịp số phụ tùng thay thế cho 2000 xe.

Sau khi bàn bạc với đồng chí Lý Ban, Đại sứ Trần Tử Bình đưa yêu cầu: “Vậy các đồng chí viện trợ cho chúng tôi thêm 1000 xe nữa, nếu khó khăn thì có thể cấn trừ vào khoản khác. Khi cần chúng tôi có thể lấy phụ tùng của xe chưa sử dụng thay vào xe hỏng hóc”. Bằng quan hệ và cách thuyết phục khéo léo mà đề nghị này được chấp nhận...”. 

Sau đó, ông cùng với các đồng chí Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đặng Tính tham gia chỉ đạo khảo sát địa hình từ Lạng Sơn vào tận Quảng Bình (sau này tới Đường 559), xây dựng dự án lắp đặt hệ thống ống dẫn, các trạm bơm dã chiến và một tổng kho xăng dầu tại Bằng Tường.

Hệ thống cung cấp xăng dầu này đã tiết kiệm được nhiều công sức và xương máu chiến sĩ, đồng bào, phục vụ các binh đoàn xe tăng, xe cơ giới trong các chiến dịch và góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Sau khi đất nước thống nhất, ông tham gia xây dựng ngành ngoại thương cho các tỉnh, thành Miền Nam cho đến khi nghỉ hưu. Ông mất năm 1981, tại TP Hồ Chí Minh, thọ 70 tuổi.

Theo Trần Kiến Quốc www.bee.net.vn