Để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn nên trở thành người biết dành quyền ưu tiên và nên bớt tính khất lần, ba phải và lười biếng. Trong mỗi người đều có đủ tính tốt và tính xấu, vậy thì bạn hãy: 

§  Bớt khất lần: đừng có việc gì cũng ôm vào và việc gì cũng xem là quan trọng và gấp gáp hết. Bớt tính này bạn sẽ bớt căng thẳng đấy.
§  Biết nói “Không” với những việc không cần thiết, việc này không dễ nhưng bạn có thể làm được, đừng tự biến mình thành người ba phải.
§  Từ bỏ tính lười biếng: đừng phí thì giờ vào những việc vô bổ, để dành thời giờ vào những việc quan trọng. Bạn có quyền nghỉ ngơi nhưng đừng có quá đáng, bạn nên nghỉ ngơi có kế hoạch như người biết dành quyền ưu tiên.

Vậy để trở thành người biết dành quyền ưu tiên thì phải làm như thế nào? Phải biết lên kế hoạch!

 
LÊN KẾ HOẠCH
Để bắt đầu một công việc gì đó thì tôi thành thật khuyên bạn nên lên kế hoạch. Đừng nghĩ kế hoạch là một việc gì đó to tát, bạn có thể lên kế hoạch theo nhiều cách: một số ghi chú, quyết định, việc cần làm được ghi trên lịch, một quyển sổ nhỏ ghi mục tiêu phải đạt... Có thể bạn sẽ thốt lên: “Tôi không muốn bị trói buộc cuộc đời vào những kế hoạch nào đâu, tự do muôn năm!”. Không đâu, kế hoạch không hề trói buộc bạn mà nó giúp bạn tự do cơ đấy, nó nhắc bạn không quên những việc phải làm, giúp bạn chủ động để đạt mục tiêu của mình.

Kế hoạch tuần
Mỗi tuần bỏ ra 15ph để lên kế hoạch thử xem, bạn sẽ thấy hiệu quả ngay thôi. Bạn theo 3 bước của tôi nhé:

Bước 1: Xác định hòn đá lớn của bạn
Cuối tuần hoặc đầu tuần, hãy suy nghĩ xem trong tuần này việc gì là quan trọng nhất cần làm. Tôi gọi đó là Hòn Đá Lớn, nó cũng giống như những chặng nhỏ trên đường đi đến mục tiêu lâu dài của bạn vậy. Nó có thể là đọc xong một quyển sách, viết xong một lá đơn xin việc, tập thể dục 3 lần/tuần, dự sinh nhật một người bạn... Tùy vào bạn xác định vai trò của mình như thế nào mà Hòn Đá Lớn của bạn có thể khác nhau:
-         Học sinh: làm hết bài tập, đạt điểm cao.
-         Bạn bè: đi dự sinh nhật bạn, gửi thiệp chúc mừng..
-         Gia đình: giúp em làm bài tập, đến thăm ngoại.
-         Công việc: đi làm đúng giờ.
-         Bản thân: nghe nhạc, viết nhật ký mỗi tối.
Xác định hòn đá lớn xong rồi thì chúng ta qua bước 2 nhé.

Bước 2: phác họa thời gian để xử lý hòn đá lớn
Hãy tưởng tượng bạn có một cái chậu , bạn bỏ sỏi vào đầy nửa chậu, sau đó bỏ tiếp những hòn đá lớn vào, một số hòn đá sẽ bị dư ra.
Nào bây giờ làm lại: trút hết sỏi trong chậu ra, xếp những hòn đá lớn vào trước, sau đó mới cho sỏi vào – những viên sỏi gần như lấp đầy những khoảng trống giữa những hòn đá. Bây giờ thì tất cả đều nằm ổn trong chậu: cả những hòn đá lớn, cả những viên sỏi. Hòn đá lớn là những việc quan trọng nhất đối với bạn, còn những viên sỏi là những việc nhỏ hàng ngày để hoàn tất những việc quan trọng. Bạn thấy chưa, nếu bạn không đưa những hòn đá lớn vào thời khóa biểu trước tiên thì bạn sẽ chẳng làm hết được mọi việc đâu. Trong kế hoạch tuần, bạn nên xác định thời gian nào là tốt nhất để làm việc gì, làm trong bao lâu, lúc nào làm việc gì là thích hợp, từng việc nhỏ hàng ngày như vậy sẽ giúp bạn xử lý hòn đá lớn dễ dàng.

Bước 3: lập dự tính cho tất cả những việc còn lại
Sau khi lập kế hoạch cho những việc cơ bản, giờ thì bạn nhét những viên sỏi vào những khoảng trống trong chậu thời khóa biểu của bạn: liếc sơ qua thời khóa biểu và viết vào những sự kiện trong tuần: hẹn hò, sinh nhật, tiệc tùng, lễ,buổi xem kịch, xem ca nhạc...

Áp dụng hàng ngày
Xong xuôi, giờ chỉ có mỗi việc thực hiện thời khóa biểu này thôi. Bạn có thể chỉnh lại đôi chút khi thực hiện. Cố theo đúng những gì đã dự tính, nhưng nếu không làm hết được mọi thứ thì cũng không sao, bạn sẽ làm bù lại khi khác vậy.

Thời khóa biểu có thực sự hiệu quả không?
Phương thức quản lý thời gian này có thật sự hiệu quả? Nhiều bạn đã thành công khi tiến hành các đề xuất trên. Tôi đã nhận được 2 lá thư riêng từ 2 người bạn trẻ về việc sử dụng thời khóa biểu cho kế hoạch trong tuần.
Jacob:
Tôi nhớ rằng khi tôi đọc cuốn sách của anh, tôi đã tự nhủ mình, “Chà mình đúng là kẻ đợi đến phút chót mới chịu làm”. Chẳng hạn như trong việc học, nếu một bài viết đến hạn nộp, tôi chỉ làm nó vào đêm chủ nhật để sáng thứ hai nộp, hoặc nếu có một buổi kiểm tra vào thứ sáu, tôi nghỉ ngày thứ năm để học bài. Tôi đã chịu nhiều khủng hoảng. Vì vậy tôi quyết định lên kế hoạch cho công việc của mình.
Trước tiên, khi phát hiện ra điều gì quan trọng, tôi bắt đầu dành sự ưu tiên cho nó. Nếu muốn đi câu cá tôi sẽ nói: “Ồ, điều kia quan trọng hơn. Mình sẽ làm nó trước, rồi ngày mai mình sẽ có một ngày để câu cá.”. Cuối cùng tôi bắt đầu học hành có hiệu quả hơn, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, và mọi chuyện được sắp xếp đúng chỗ. Tôi cảm thấy bớt căng thẳng khi tôi dùng quỹ thời gian của mình một cách hợp lý.
Brooke:
Mức stress của tôi giảm đi bởi vì tôi không còn cố gắng để nhớ từng việc phải làm mỗi ngày, tôi đã có thời khóa biểu của mình. Trước khi đi ngủ, tôi xem thời khóa biểu và ghi nhớ những việc cần làm ngày mai, đặc biệt là những việc của riêng mình.

Thời gian là thứ qua đi không bao giờ trở lại. Thời khóa biểu giúp ta đỡ phí thời gian và biết quan trọng từng khoảnh khắc cuộc sống.

Theo Sean Covey (2005), The Seven Habits of Highly Effective Teens, bản dịch tiếng Việt, nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

Bài học thành công : Cách lên kế hoạch như thế nào cho hiệu quả